Làm hoàng đế Tần_Tông_Quyền

Vào mùa xuân năm 885, Tần Tông Quyền xưng đế. Trước tình thế này, Đường Hy Tông đã bổ nhiệm Vũ Ninh tiết độ sứ Thì Phổ làm 'Thái châu tứ diện hành doanh binh mã đô thống', song thoạt đầu Thì Phổ và các tướng Đường khác không tiến hành nhiều hành động chống lại Tần Tông Quyền.[1]

Sau khi xưng đế, Tần Tông Quyền tiếp tục chiến dịch mở mang lãnh thổ. Ông sai em là Tần Tông Ngôn (秦宗言) tiến công Kinh Nam[chú 18], còn bản thân ông tiến công Hứa châu, giết Lộc Yến Hoằng. Trong số 20 châu xung quanh, chỉ còn Trần châu do Triệu Thù (趙犨) trấn thủ, và Biện châu trong tay Chu Toàn Trung; là tiếp tục chống lại Tần Tông Quyền. Vào mùa xuân năm 887, Tần Tông Quyền tức giận vì không thể đánh bại Chu Toàn Trung, do vậy đã chuẩn bị cho một cuộc tiến công quyết định vào Biện châu. Chu Toàn Trung phái thuộc hạ là Chu Trân (朱珍) tuyển mộ binh sĩ ở phía đông; Chu Trân trở về với quân tiếp viện và ngựa, nhờ đó mà Chu Toàn Trung đã đánh bại Tần Hiền.[1] Khi Tần Tông Quyền thân chinh vào mùa hè năm 887, Chu Toàn Trung tập hợp binh sĩ Tuyên Vũ quân và Nghĩa Thành[chú 19], cũng như quân cứu viện của Chu Tuyên và Chu Cẩn- người đã chiếm được Thái Ninh quâ[chú 20]. Binh sĩ của bốn quân hợp binh và khiến quân của Tần Tông Quyền thảm bại tại Biên Hiếu thôn (邊孝村) ở ngay bên ngoài thành Biện châu, Tần Tông Quyền chạy trốn. Khi hay tin Tần Tông Quyền chiến bại, các thuộc hạ của ông cũng bỏ thành Lạc Dương, Hà Dương, Hứa châu, Nhữ châu, Hoài châu, Trịnh châu, Thiểm châu Quắc châu; và chạy trốn. Từ thời điểm đó trở đi, sức mạnh của Tần Tông Quyền bắt đầu suy yếu.[2]

Khi Hoài Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn, tận dụng thời cơ, Tần Tông Quyền đã phái em là Tần Tông Hành (秦宗衡) và Tôn Nho tiến về đông nam để đoạt lấy Hoài Nam từ tay Dương Hành Mật. Sau đó, khi hay tin Tần Tông Quyền thất bại trước Chu Toàn Trung, Tần Tông Hành đã cố gắng trở về Thái châu cứu viện Tần Tông Quyền, song Tôn Nho đã giết chết Tần Tông Hành và đoạt lấy binh lính, sau đó Tôn Nho tiếp quản Hoài Nam một thời gian song không còn nghe theo lệnh của Tần Tông Quyền. Trong khi đó, vào mùa đông năm 887, Tần Tông Quyền tái chiếm Trịnh châu, trong khi Triệu Đức Nhân (được Tần Tông Quyền bổ nhiệm là Sơn Nam Đông đạo lưu hậu) chiếm được Kinh Nam và giết tiết độ sứ Trương Côi của Đường, để thuộc hạ của Trương là Vương Kiến Triệu kiểm soát thủ phủ Giang Lăng của Kinh Nam.[2]

Vào mùa thu năm 888, tướng Thành Nhuế của Đường đã tái chiếm Giang Lăng, Vương Kiến Triệu phải chạy trốn. Sau khi để mất Kinh Nam và nhận thấy Tần Tông Quyền đang trong tình thế khó khăn, Triệu Đức Nhân đã quyết định quay sang quy phục Đường và liên kết với Chu Toàn Trung - người đang giữ chức đô thống chống lại Tần Tông Quyền. Theo biểu của Chu Toàn Trung, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Triệu Đức Nhân là Trung Nghĩa quân tiết độ sứ (đổi tên từ Sơn Nam Đông đạo), 'Thái châu tứ diện hành doanh phó đô thống'. Trong khi đó, Chu Toàn Trung sau khi đoạt được Lạc Dương và Hà Dương vào trước đó, đã quyết định tiến hành chiến dịch quyết định chống lại Tần Tông Quyền. Chu Toàn Trung đánh bại Tần Tông Quyền trong một trận chiến diễn ra ngay phía nam Thái châu, Tần Tông Quyền triệt thoái vào Thái châu và thủ thành chống lại cuộc bao vây của Chu Toàn Trung. Đến khi nguồn lương thực cạn kiệt, Chu Toàn Trung đã triệt thoái. Sau khi Chu Toàn Trung dời đi, quân của Tần Tông Quyền tái chiếm Hứa châu.[2]